Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

on Leave a Comment

[Xã hội-QĐND] - Việt Nam cần sự hỗ trợ cụ thể để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh

QĐND Online - Hội nghị Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã diễn ra tại Hà Nội sáng 14-3 với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện của bộ, ban ngành trung ương cùng đông đảo đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị này nhằm đưa ra cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, thể hiện qua các mục tiêu, cơ chế, chính sách, việc ưu tiên sử dụng nguồn lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua đề xuất hình thành Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, thảo luận về chiến lược huy động nguồn lực và cơ chế hoạt động của nhóm đối tác.

Nỗ lực lớn nhưng khó khăn vẫn nhiều

Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Những năm qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế quản lý, điều hành và đầu tư ngân sách, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

“Đã dò tìm, thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ, giải phóng hằng trăm nghìn héc-ta đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, giảm thiểu thương tích do bom mìn gây ra,” Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ấn nút khai trương website của Chương trình 504 (www.vnmac.gov.vn).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 504. Trong phát biểu của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 cho biết, nguồn lực đảm bảo cho thực hiện Chương trình còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn vốn do Chính phủ cấp, chưa huy động được nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nhà nước, của chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn hiện còn rất lớn; tiến độ thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phát triển nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu của chương trình; trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân bom mìn còn gặp nhiều bất cập do các cơ sở ý tế cấp xã và khu vực ô nhiễm bom mìn chưa được đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng ký kết hợp tác, hỗ trợ song phương, đa phương; xây dựng kế hoạch đàm phán, ký kết hiệp định, cam kết tài trợ cho Chương trình 504 với chính phủ các nước và tổ chức quốc tế, ưu tiên theo hướng tài trợ cả gói cho Chương trình. Đây là hướng đi được nhiều nước và các tổ chức quốc tế ủng hộ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Samuel Perez cho rằng: Việt Nam có cam kết rõ ràng đối với việc giải quyết vấn đề bom mìn chưa nổ. Trong hàng thập kỷ, Việt Nam đã đầu tư những nguồn lực của chính mình cho các hoạt động rà phá bom mìn. Nhiều tỉnh trong số những địa phương bị ô nhiễm nhiều nhất của Việt Nam đã thực hiện những chương trình hành động bom mìn cùng với các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

“Việt Nam thậm chí đã đưa nội dung giáo dục về nguy cơ bom mìn và hỗ trợ nạn nhân vào kế hoạch quốc gia của mình. Điều này sẽ giúp giảm bớt các tai nạn trong tương lai và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nạn nhân sống sót và gia đình của họ. Việt Nam thực sự làm chủ chương trình hành động bom mìn của mình,” ông Perez nói.

Ông cũng cho rằng, những sáng kiến của Việt Nam như thành lập Chương trình 504, nhóm đối tác khắc phục bom mìn (MAPG) và Trung tâm khắc phục bom mìn quốc gia (VNMAC) rõ ràng đã nâng tầm hoạt động khắc phục bom mìn lên cấp độ quốc gia và định hướng cho các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Trong khi đó, Đại sứ Stefano Toscano, Giám đốc Trung tâm hành động mìn nhân đạo Giơ-ne-vơ (GICHD) cam kết GICHD sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong tương lai và rất muốn thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào cộng đồng khắc phục bom mìn quốc tế.

GICHD cho rằng Trung tâm VNMAC và nhóm quan hệ đối tác MAPG sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc nâng cao hoạt động và tính hiệu quả của Chương trình khắc phục bom mìn quốc gia trong việc giải quyết những nhiệm vụ mang đầy tính thách thức nhưng có tác động lớn như đưa trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động, và từ đó cung cấp những dữ liệu đó cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khắc phục bom mìn và các bên liên quan khác.

Đại diện chính phủ các nước như Hungary, Na-uy, Hàn Quốc, Ai-len, Nhật Bản phát biểu, ghi nhận những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và cam kết sẽ có các biện pháp phối hợp, hỗ trợ Việt Nam hơn nữa. Một số tổ chức cũng khuyến khích Việt Nam tìm hiểu và tham gia các công ước quốc tế liên quan đến việc sử dụng mìn và bom đạn chùm để tăng cường các mối quan hệ quốc tế.

Việt Nam cần sự hỗ trợ cụ thể

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Chương trình 504 khẳng định Đã nhiều chục năm đất nước sống trong hòa bình nhưng hậu quả chiến tranh thì vẫn còn dai dẳng. Tai nạn do bom mìn vẫn xảy ra gây nhiều thương vong cho con người.

“Hậu quả do chiến tranh gây ra quá lớn, Việt Nam rất cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cá nhân và cộng đồng trong nước, quốc tế chung tay góp sức để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành chủ động, tích cự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường Ban Chỉ đạo 504 xây dựng kế hoạch đàm phán, vận động, ký kết hợp tác cấp quốc gia với Chính phủ các nước và tổ chức quốc tế cũng như huy động các nguồn lực trong nước cho thực hiện chương trình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các các nhà tài trợ, các vị Đại sứ, bạn bè quốc tế quan tâm tham gia vào Nhóm đối tác để tham vấn cho Chính phủ Việt Nam và tích cực kết nối với các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ thực hiện Chương trình, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn.

“Việc hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn của các bạn sẽ góp phần củng cố tình hữu nghị, khẳng định quan hệ đối tác tin cậy giữa chúng ta. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao và mong muốn nhận được sự hợp tác tích cực, sự hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ các nước, từ bạn bè quốc tế để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Tại Hội nghị này, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã được ra mắt và do Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó Cơ quan Thường trực Chương trình 504, làm Tổng giám đốc. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 504 và là đầu mối chính thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

Các tổ chức xã hội như Hội, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cũng đang được ra mắt nhằm tăng cường việc huy động nguồn lực của toàn xã hội chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tin, ảnh: NGỌC HƯNG


0 nhận xét:

Đăng nhận xét