Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

on Leave a Comment

[Xã hội-CATPHCM] - Các anh sống mãi trong thương yêu! (kỳ cuối)

(CATP) (Tiếp theo và hết)


NỖI ĐAU CỦA MẸ
Từ nhiều năm nay, bà Hà Thị Liên (tên gọi khác là bà Cán, 84 tuổi, trú xóm 1, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), mẹ của liệt sĩ Đào Kim Cương (SN 1966) vẫn sống lam lũ một mình trong căn nhà cấp 4 nép cuối xóm.

>> Các anh sống mãi trong thương yêu!

Sinh được bốn người con, anh Cương là người thông minh, tháo vát nhất. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lên đến cấp 3 anh trúng tuyển nghĩa vụ nên nghỉ học xin vào quân đội. “Ngày đó, nó làm việc gì cũng tháo vát. Thấy vậy, có gia đình trong xã còn hứa với nó đi vào quân ngũ cố gắng chiến đấu, giữ gìn sức khỏe rồi lúc nào về sẽ gả con gái cho nó” - bà Liên kể.



Bà Hà Thị Liên, mẹ của liệt sĩ Đào Kim Cương (ảnh nhỏ) lục tìm lại những kỷ vật của con trai


Sau khi vào quân ngũ, đơn vị anh đóng quân ở Đà Nẵng. Đầu năm 1988, anh Cương cùng một số đồng đội nhận được lệnh phải vào Cam Ranh để chuẩn bị nhận nhiệm vụ. Do đi quá gấp gáp, anh không kịp viết thư về cho gia đình nên nhờ một người bạn tên là Nguyễn Hữu Hà (quê ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) viết thư về thông báo cho bố mẹ. Vài ngày sau, khi vào đến Cam Ranh anh Cương viết một lá thư chỉ vẻn vẹn vài dòng ngắn ngủi trấn an bố mẹ với nội dung: “Bố mẹ yên tâm, con đi công tác cùng với các lãnh đạo nên không sao đâu”.

Đang ngồi nói chuyện, nước mắt bà Liên bỗng ứa ra chảy lăn theo những nếp nhăn: “Một ngày giữa tháng 3-1988, lúc đó tôi vừa đi làm đồng về thì nghe loa phát thanh của xóm thông báo con mình hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma. Tôi choáng váng ngất xỉu ngã giữa sân”.

Sau khi anh Cương hy sinh, hai người con gái của bà Liên cũng lần lượt qua đời do bệnh tật. Cách đây tám năm, chồng bà cũng bỏ bà theo tổ tiên.

NHÂN CHỨNG KỂ CHUYỆN

Đã 26 năm trôi qua, nhưng đến bây giờ, trong ký ức của anh Lê Hữu Thảo (SN 1965, trú xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn in hằn như mới ngày hôm qua. “Nhiều đêm cứ về khuya tôi vẫn không ngủ được vì những hình ảnh của đồng đội hy sinh dưới làn đạn của kẻ thù xâm lược”.



Anh Lê Hữu Thảo kể lại trận chiến trên đảo Gạc Ma


Năm 21 tuổi, anh Lê Hữu Thảo nhập ngũ vào Lữ đoàn 107, đơn vị đóng quân ở Quảng Ninh. Sau khi được huấn luyện hai năm qua Trường Hạ sĩ quan, anh được chuyển về bộ binh chiến đấu. Cuối năm 1987, lúc này tình hình Trường Sa đang “nóng” về vấn đề Trung Quốc gây hấn. Cũng trong đợt này, quân số của Lữ đoàn 107 được chuyển vào đơn vị 146 để đi Trường Sa. Tháng 1-1988, anh được biên chế vào Lữ đoàn 146 thì cuối tháng 2 cùng năm, anh nhận nhiệm vụ đi ra đảo.
Ngày 10-3-1988, anh Thảo cùng đồng đội tập trung lên tàu HQ 604 ra đảo, nhưng khi đến phao số 0 thì gặp bão lớn nên tàu phải quay vào bờ. Ngày hôm sau, khi bão bắt đầu tan, tàu tiếp tục đi ra.

Ngày 13-3-1988, khi tàu vừa đến đảo Gạc Ma được khoảng một giờ thì bất ngờ một chiếc tàu Trung Quốc xuất hiện ngang nhiên thông báo: “Đây là lãnh thổ Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rút khỏi”. Đáp lại, các chiến sĩ trên tàu HQ 604 cũng đã đưa tay lên miệng làm loa hướng tàu Trung Quốc: “Đây là lãnh thổ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi”.

“Sau một lúc thấy các chiến sĩ của ta đáp trả quyết liệt, chiếc tàu của Trung Quốc đã rút lui” - anh Thảo nhớ lại.

Vào lúc 3 giờ sáng 14-3-1988, khi thủy triều bắt đầu rút xuống lòi san hô, bộ đội công binh trên tàu đã sử dụng xuồng nhôm vào bãi cạn để cắm cột treo cờ, nhằm định vị để xây nhà nổi cho các chiến sĩ ở. Đến 5 giờ sáng, Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong và Trung đội phó Trần Văn Phương gọi anh Lê Hữu Thảo dậy nhận nhiệm vụ. Anh Thảo cử thêm anh Đậu Xuân Tư và Hoàng Trọng Thúc, mang theo hai khẩu súng AK rồi năm anh em cùng nhau sử dụng xuồng nhôm chèo vào đảo. Khi đến nơi, trong lúc mọi người trao đổi công việc thì anh Nguyễn Văn Lanh nhảy xuống nước tự bơi vào đảo, còn anh Nguyễn Mậu Phong lúc này theo xuồng nhôm trở ra tàu chỉ huy bốc dỡ vật liệu và mang cờ vào cắm.



Các chiến sĩ trong trận “Hải chiến Trường Sa” năm 1988 trở về


Mọi người trên tàu cũng bắt đầu thức dậy, mang súng ra lau chùi và chuẩn bị ăn sáng. Lúc này, trên đảo anh Thảo cùng các chiến sĩ đang neo dây cáp để chuyền vật liệu vào đảo thì bất ngờ bốn chiếc tàu Trung Quốc ập đến. Một chiếc đậu cách xa làm nhiệm vụ quay phim và ba chiếc áp sát, thả xuồng chở 50 lính được trang bị súng AK đổ bộ vào đảo. Sau đó, một chiếc xuồng máy của Trung Quốc có trang bị súng máy vờn qua, vờn lại xung quanh tàu HQ 604 khiêu khích, đồng thời chĩa loa yêu cầu rút khỏi đảo.

Trong lúc căng thẳng, anh Thảo cùng đồng đội đã hội ý xác định đấu tranh và giáp lá cà là chắc chắn, còn nổ súng phải xin ý kiến chỉ đạo. Thấy vậy anh Phong và anh Phương quán triệt, các chiến sĩ không được rời vị trí và cố gắng giữ cột cờ, không được nổ súng trước. Mọi việc phải tùy cơ ứng biến. Lúc đó, anh Thảo đi về phía cột cờ thì cũng là lúc xuồng thứ ba chở vật liệu đi vào đến nơi. Thấy vậy, tên chỉ huy lính Trung Quốc rút súng lục ra bắn chỉ thiên, nhưng viên đạn nổ thì súng rơi. Lúc này, các chiến sĩ Việt Nam đang chuyền cờ từ tay người này đến tay người khác đưa vào cắm thì lính Trung Quốc dùng súng có gắn lưỡi lê đâm nên các chiến sĩ phải sử dụng xà beng, cuốc, xẻng để chống lại. Lúc lá cờ đến tay, Trung đội phó Trần Văn Phương mang về hướng chiếc cột được trồng sẵn chuẩn bị cắm thì lính Trung Quốc bắn thẳng vào bụng anh.

Tại vị trí anh Thảo, ba lính Trung Quốc xông vào khống chế anh Đậu Xuân Tư, nhưng anh Thảo đã xông vào kéo ra. Một tên đã sử dụng lưỡi lê đâm vào anh Thảo, nhưng anh né được. Lúc này, anh Thảo đưa khẩu AK lên siết cò bắn trả. Lính Trung Quốc nổ súng nên anh Thảo phải lặn xuống bơi ra xa tránh đạn. Sau ba lần lặn, anh Thảo trồi lên thấy súng từ trên tàu Trung Quốc bắn vào tàu HQ 604 khiến tàu chìm dần.

Anh Thảo định bơi ra ngoài, nhưng thấy từ xa có tàu Trung Quốc chắn phía trước nên lại bơi vào. Lúc đang bơi thấy anh Bùi Hoàng Hải từ trên tàu bị bỏng toàn thân rơi xuống nước nên bơi lại để anh Hải bám vào phao.

“Lúc đó, tôi nhìn sang phía bãi cạn, thấy chiếc xuồng nhôm và sáu chiến sĩ đang bám vào, nên cố gắng đẩy anh Hải vào đó để cứu, đồng thời bảo mọi người hỗ trợ đưa anh Hải lên xuồng”.

Lúc này, quan sát xung quanh thấy tàu Trung Quốc đã rút, chúng chỉ cắm lại năm lính, nhưng đứng cách xa tầm đạn, anh Thảo bảo mọi người tản ra đi tìm kiếm xung quanh xem còn ai sống sót không nên đã cứu thêm được anh Lanh, anh Tứ. Sau đó, mọi người lấy vải nhét vào những lỗ do bị đạn bắn thủng trên thuyền rồi đưa những người bị thương vào đảo Cô Lin.

TRONG KÝ ỨC NGƯỜI THÂN

Đến thăm bà Hồ Thị Lai (trú đường Lê Nổ, Đà Nẵng), mẹ của liệt sĩ Trương Quốc Hùng, bà bùi ngùi: “Sau khi ở Trung đoàn 83 đóng tại Đà Nẵng được hơn một năm, Hùng được lệnh vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để lên đường tham gia xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Được cử đi, Hùng vui sướng về báo ngay với má. Dịp Tết năm ấy, một cái Tết đầm ấm ở gia đình, Hùng nói đó là sức mạnh để lên đường hoàn thành nhiệm vụ...”.



Bà Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ
Trương Quốc Hùng, với chiếc chăn con trai tặng trước lúc lên đường


Cẩn thận mở cửa tủ, bà Lai nâng niu một cái chăn (mền) còn mới: “Con tôi có hiếu lắm, trước khi đi, nó được đơn vị phát cho một cái chăn mới, nó đưa về đổi lấy chăn cũ của má để đắp. Nó nói má đắp chăn mới cho ấm, cho đỡ nhớ con và con đắp chăn cũ để hưởng được hơi ấm của má, để vững tâm hơn nơi hải đảo xa xôi”. Chiếc chăn này là một trong số ít kỷ vật còn sót lại về đứa con trai của mình, bởi các con bà Lai sợ má thấy kỷ vật của Hùng lại càng phiền não, nên đã đốt hết.
Nhận tin con hy sinh tại quần đảo Trường Sa ai cũng buồn đau vô hạn, nhưng với bà Lê Thị Muộn (SN 1931, trú tại đường Hàn Thuyên, Đà Nẵng) thì nỗi đau nhân lên gấp bội. Hôm đó, chồng bà là ông Phan Văn Bé bị bệnh gan đang nằm điều trị tại bệnh viện thì vô tình nghe tin trên đài đọc thông báo những chiến sĩ hy sinh và mất tích, khi nghe đến tên “Phan Văn Sự”, ông gục trên giường bệnh. Ngay lập tức ông được đẩy sang phòng cấp cứu nhưng đã muộn, trút hơi thở cuối cùng khi vừa biết tin con hy sinh. Hai cái chết đến cùng lúc khiến bà Muộn cùng người thân hết sức đau đớn!

Bà Muộn đã lấy ngày 14-3 là ngày giỗ chung cho cả hai cha con. 26 năm nay, bà luôn mang chiếc áo Hải quân đứa con trai gửi về tặng mẹ trước lúc ra Trường Sa. Bà may lại rồi khoác trên mình, vừa đỡ nhớ con, vừa tự hào về đứa con trai - lính đảo Hải quân nhân dân Việt Nam!

Ông Nguyễn Điện (SN 1928) và bà Huỳnh Thị Kế (SN 1931, trú phường Hòa Cường Bắc) chỉ có đứa con trai duy nhất - anh Nguyễn Phú Đoàn (SN 1968). 19 tuổi lên đường đi lính hải quân, Đoàn xem đó là vinh dự cho bản thân và gia đình nên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bà Kế tiếc mãi lần con về thăm nhà trước lúc lên đường ra Trường Sa mà không gặp. Lúc ấy, bà Kế thì đi chợ bán rau ở chợ Hòa Cường đến tối mới về, còn ông Điện thì đi làm bốc vác ở cảng Tiên Sa thâu đêm.

“Khi hai vợ chồng về tới nhà thì nghe hàng xóm báo lại, muốn gửi gắm cho con những lời yêu thương, dặn dò đôi điều và một chiếc áo cho con ấm hơn mỗi khi trở trời, thế mà...”. Từ ngày con hy sinh, ông Điện cũng đau ốm triền miên. Mười năm trở lại đây, ông Điện bị tai biến, không tự vệ sinh chăm lo được, tất cả đổ dồn lên thân gầy của bà Kế. Hàng ngày bà phải tất tả chợ búa, chăm sóc ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cho ông...

Cụ bà Trương Thị Ngò (ở thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) đã bước qua tuổi 90 nhưng những ký ức về đứa con trai yêu dấu - anh Nguyễn Bá Cường (SN 1962) mãi hằn in trong tâm trí. Năm 1988, lúc bấy giờ, Bá Cường đang học tại Trường Sĩ quan hải quân, tuy đã đăng ký học lớp hoa tiêu ở Nga để lấy bằng quốc tế, nhưng khi biết đất nước bị xâm lược, Cường xung phong ra đảo. Anh đã hy sinh để quyết bảo vệ đảo.

Với cụ Ngò, những vần thơ từng đăng trên tờ báo Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1988 mà con trai gửi tặng má, khiến bà rưng rưng, lưu nhớ mãi trong lòng: “...Mẹ đừng buồn dù có vắng con/Bạn con tiếp bước hòn đảo xa/Mẹ ơi con ở Trường Sa/Mẹ ơi Út ở Trường Sa”!

Trong chương trình “Sát cánh cùng chiến sĩ hải đảo” do Báo Công an TP.Hồ Chí Minh phát động, Vietcombank TP.Hồ Chí Minh đã đồng hành trao 30 sổ tiết kiệm (mỗi suất 5 triệu đồng) cho các thân nhân, những cựu chiến binh tham gia trận bảo vệ Trường Sa năm 1988 và một số chiến sĩ đã, đang công tác tại quần đảo Trường Sa.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét