Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

on Leave a Comment

[Xã hội-Đại Đoàn Kết] - Tìm danh xưng cho Huế

Sáng 13-3, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến "về phương án tổ chức các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên-Huế”. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ hiện đang công tác và sinh sống tại Huế đã tham dự.



Việc thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo việc bảo tồn các giá trị di sản vật thể Ảnh: Hoàng Long
Theo đó, có 2 phương án được đưa ra lấy ý kiến: Thứ nhất là thành lập thành phố trực thuộc Trung ương lấy tên thành phố Huế gồm 3 quận, 2 thị xã và 6 huyện; Phương án 2 là lấy tên thành phố Thừa Thiên-Huế gồm 4 quận, 2 thị xã và 6 huyện.
Đa số các ý kiến cho rằng, nên lấy tên "Thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, trong đó trung tâm là Thành phố Huế hiện nay và mở rộng ra thêm một số vùng ven. Trên cơ sở đó, Thành phố Huế sẽ chia thành 4 quận, 2 thị xã là Hương Trà, Hương Thủy và 6 huyện (Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới).
Việc thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo việc bảo tồn các giá trị di sản vật thể, phi vật thể và các giá trị cảnh quan thiên nhiên hiện đang được lưu giữ và nằm rải rác trong toàn bộ khu vực đô thị.
Với dòng sông Hương chảy qua thành phố, với cảnh quan thiên nhiên và khối di sản khổng lồ của cha ông để lại, Huế là danh xưng được mọi người trong và ngoài nước biết đến, là thành phố có 2 di sản văn hóa thế giới (di tích và Nhã nhạc), là đô thị cấp quốc gia và là kinh đô cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam (1802-8/1945).
Nhờ thế, danh xưng "Huế” đã được sử dụng rộng rãi và trở thành biểu tượng văn hóa của một vùng đất. "Huế” được sử dụng phổ biến trong mọi mặt của đời sống xã hội , như: triều đình Huế, kinh đô Huế, người Huế, văn hóa Huế, du lịch Huế, di tích Huế, chùa Huế, ẩm thực Huế, nón Huế, du lịch Huế và gần đây là nhã nhạc cung đình Huế, Festival Huế...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: "Chữ "Huế” đã ăn sâu vào tiềm thức và là niềm tự hào của người Thừa Thiên-Huế ở trong và ngoài nước. Thứ 2, chữ "Huế” không những ở trong lịch sử, trong văn học, trong đời sống mà còn trong nghệ thuật. Chữ "Huế” đó được UNESCO phổ biến cho thế giới biết, được công nhận là di sản thế giới.
Đối với người dân Thừa Thiên - Huế, dù sinh sống ở các huyện hay đi làm ăn xa đều nhận mình là "dân Huế”. Về tên gọi "tỉnh Thừa Thiên -Huế” thực tế chỉ mới xuất hiện chính thức từ giữa năm 1989. Do lịch sử hình thành tên gọi của tỉnh Thừa Thiên- Huế còn quá mới, lại không được sử dụng một cách phổ biến trong đời sống văn hóa-xã hội nên sau khi đánh giá, phân tích các yếu tố lịch sử, văn hóa, các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất ý kiến lấy danh xưng Huế để đặt tên cho thành phố trực thuộc trung ương.
Nếu danh xưng của thành phố tương lai được mọi người dễ dàng đồng tình thì tên gọi của các quận mới (dự kiến thành lập) đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, khá nhiều ý kiến đồng thuận với phương án 2 là nên có 4 quận. Còn thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang sau khi cắt một số xã, phường cho 4 quận nội thị vẫn giữ nguyên. Tương tự là các huyện còn lại.
Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau hội thảo này, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các vị lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt và lấy ý kiến các chuyên gia ở Trung ương để bổ sung, điều chỉnh và tạo sự đồng thuận trong xã hội trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Hữu Thu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét