Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

on Leave a Comment

[Giải trí -Tổ quốc] - Bảo tồn Đờn ca Tài tử: “Phải thay đổi tư duy trong xã hội”

(Toquoc)- “Bảo tồn Di sản Đờn ca Tài tử quan trọng là phải thay đổi tư duy trong xã hội. Tức là phải coi đây là bộ môn đặc biệt, là nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, là tâm hồn của con người miền Nam nước Việt”, GS-TS Trần Văn Khê khẳng định.

Tháng Tư này, Festival Đờn ca Tài tử lần thứ Nhất sẽ diễn ra tại Bạc Liêu. Đây là sự kiện được chờ đợi của giới mộ điệu nghệ thuật đờn ca tài tử. Nó cũng nhằm bảo tồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị tinh hoa của loại nghệ hình thuật đặc sắc Nam Bộ này sau khi Việt Nam chính thức đón nhận bằng công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ Tổ chức Văn hóa-Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO). Nhân dịp này, PV báo Điện tử Tổ Quốc có cuộc trao đổi với Giáo sư – Tiến sỹ Trần Văn Khê, người đã góp nhiều công sức trong việc bảo tồn cũng như giới thiệu loại hình âm nhạc đặc biệt này ra thế giới.

+ PV: Đờn ca Tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng không phải ai cũng biết rõ nguồn gốc ra đời của loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Xin GS cho biết có phải Đờn ca Tài tử có nguồn gốc từ nhạc Huế?

GS Trần Văn Khê: Từ nhiều thế kỷ trước, người miền Trung vào Nam sinh sống phải thích nghi với hoàn cảnh sống xa lạ, đồng thời họ cũng có nhu cầu giải trí, Đờn ca Tài tử ra đời do nhu cầu giải trí của người nông dân, những người lao động chân tay chứ không phải là nghệ sĩ.

Căn cứ từ điệu hò, điệu lý ở miền Nam, đặc biệt là nhạc lễ. Nhạc lễ ở Miền Nam bao gồm một nhóm đờn để cho người ta nhi tiết, đốt nhang lạy đi kèm với kèn với trống. Sau nghi lễ, đêm về, một nhóm người ngồi chơi với nhau, gọi là “dàn nhạc” gồm có đờn cây (tức đờn cò, đờn nhị), đờn kìm (tức đờn nguyệt). Đờn chơi vậy thôi chứ chưa có lề lối.


Cuối thế kỷ 19, sau phong trào Cần Vương, nhiều người Huế di cư vào Nam, trong đó có một số người biết đờn như ông Nguyễn Tòng Bá (ông Tư Bá) vô Nam dạy đờn kìm với đờn tranh, ông Nguyễn Liêm Phong dạy đờn bầu. Rồi ông cố nội của tôi là ông Trần Quang Thọ, ông nội tôi là Trần Quang Diệm thì dạy đờn tì bà. Những người này đều thuộc về lớp quan nhạc ở Huế. Họ vô Nam không phải đem cái nhạc cung đình vô để dạy, nhạc cung đình dạy trong này ai mà đờn được. Đó gọi là nhạc ca Huế, tức là nhạc thính phòng ở Huế chứ không phải nhạc cung đình Huế.

Bởi vậy phải nói Đờn ca Tài tử là một sự sáng tạo của dânmiền Nam nước Việt căn cứ trên dân ca và nhạc lễ của miền Nam, có sự đóng góp của nhạc thính phòng Huế.

+ PV: Sự kết hợp giữa âm nhạc miền Trung và miền Nam này tạo ra nét đặc sắc riêng nào cho Đờn ca tài tử so với những hình thức dân ca khác, thưa GS?

GS Trần Văn Khê: Nói chung người miền Nam không học nguyên xi nhạc miền Trung này mà nó được biến tấu, thích nghi với quan điểm thẩm mĩ của miền Nam. Ví như cùng tên 1 bản phụ lục mà phụ lục miền Nam khác hẳn phụ lục miền Trung, cùng một bản Nam ai, nhưng bản Nam ai miền Nam khác hẳn bản Nam ai miền Trung. Người miền Nam phóng túng, “học chân phương mà đờn hoa lá”. Tức là học thì học nguyên tắc, kỹ lưỡng, nhưng mà tới chừng đờn thì thêm qua thêm lại cho nó đẹp, theo cái thẩm mỹ của người miền Nam. Tỷ như câu: Hò là hò sơn sang, sế xang là hò sơn sang, nhưng mà ra đờn là không ai đờn vậy đó, đó là cách vận hành giai điệu, phát triển giai điệu để làm cho nó có một cái duyên, thêm duyên thêm ý, thêm hoa thêm lá.

+PV: Hiện nay giữa các nhà quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa vẫn chưa thống nhất quan điểm "sân khấu hóa" các hình thức diễn xướng dân gian. Theo giáo sư, việc "sân khấu hóa" này "được" và "mất" gì nhất là với loại hình nghệ thuật đặc biệt nhấn mạnh từ “chơi” của Đờn ca Tài tử?

GS. Trần Văn Khê: Đặc điểm của đờn ca tài tử, thứ nhất phối khí: tập thể, tại chỗ, ngẫu hứng. Thứ hai, thủa nguyên sơ, Đờn ca Tài tử là “đờn chơi” tức là cái chất “tài tử” được đặt lên hàng đầu. Đờn chơi mà không bao giờ vòi tiền. Người đờn dù hay mấy cũng không lấy cái nghệ thuật của mình mà làm cái mưu sinh. Thứ ba, khi đờn chơi là gặp nhau vui vẻ, đồng điệu, ngồi chơi với nhau, vì vậy người ta kêu bằng “chơi” đờn ca tài tử, chớ không phải là biểu diễn đờn ca tài tử.




"Bảo tồn di sản Đờn ca tài tử, quan trọng là phải thay đổi tư duy trong xã hội"

Vì thế, “sân khấu hóa” đờn ca tài tử là làm biến chất nó, khiến nó không còn có tính chất là đờn ca tài tử nữa, nó thành ra biểu diễn đờn ca tài tử. Biến đờn ca tài tử từ một cuộc chơi thính phòng, thành ra một bộ môn biểu diễn trên sân khấu để lấy tiền là làm biến chất nó.

+ PV: Lớp nghệ nhân bây giờ có giữ được hồn cốt của đờn ca tài tử thủa ban đầu?

GS. Trần Văn Khê: Tôi đã nói rồi, Đờn ca tài tử bây giờ không còn là chơi đờn ca tài tử nữa, mà là ngồi đờn cho truyền thanh, truyền hình ghi âm, quay phim; rồi nhiều khi có tiệc, người ta cũng mời, cả đám ngồi đờn cho khách nghe để lấy tiền thù lao. Nó không còn là chơi đờn ca tài tử nữa mà người ta thuê để biểu diễn.

Hiện nay, số người còn giữ được tinh thần chơi đờn ca tài tử thì là những ông cụ già, họ không còn làm cái nghề nghiệp này nữa, kiểu như thầy Vĩnh Bảo, suốt đời cho đến khi 97 tuổi không khi nào đi đâu thầy đờn mà thầy đòi tiền cả. Dạy học trò cũng không lấy tiền rồi học trò thương muốn trả bao nhiêu thì trả. Đó mới là tinh thần tài tử. Phải thừa nhận rằng, những người cao niên còn cái tư tưởng đó đến nay rất ít.

+ PV: Theo giáo sư, các cơ quan chủ quản như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chính quyền, đoàn thể có vai trò quan trọng thế nào với vấn đề bảo tồn di sản, sau những lùm xùm về việc bảo tồn những di sản từng được vinh danh trước kia? Việt Nam nên học tập điều gì từ kinh nghiệm bảo tồn các di sản văn hóa của các nước trên thế giới?

GS. Trần Văn Khê: Mỗi một nơi có cách bảo tồn riêng, tùy theo môi trường sống, theo quan niệm, nhiều cái phù hợp với người Phương Tây chưa chắc đã phù hợp với chúng ta.

Đờn ca Tài tử được vinh danh rồi, chính quyền có thể căn cứ trên đó, coi lại những người mà suốt đời đã tận tụy với nó, gìn giữ nó, thì phải “mang ơn” người ta. Di sản phi vật thể này do ai làm ra? Chính là các nghệ nhân. Vì vậy, phải quan tâm đến đời sống của người ta, làm sao để nghệ nhân có thể sống được với nghề để mà truyền lại cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân đa số là nghèo, họ dù có đờn hay cũng nghèo, nếu không đi dạy đờn kiếm sống thì chết đói, hoặc phải bỏ đi làm thợ rèn, thợ đan và làm những công việc khác để kiếm sống thì phí đi cái tài năng. Cho nên nhà nước cần có sự quan tâm thích đáng.

Khi nhà nước đã quan tâm rồi thì các ông thầy không được giấu nghề, học sinh không được làm biếng. Nhà nước cũng cần phải tìm cho Đờn ca tài tử một “ngõ ra”. Tức là phải tổ chức được những buổi liên hoan, thi tài, những cuộc gặp gỡ… để người làm nghề có “đất mà dụng võ”.

Về mặt xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng phải góp sức tuyên truyền, quảng bá bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Chứ lâu nay, nhiều câu lạc bộ Đờn ca tài tử, tập tành cả tháng được một vở, mang đi “biểu diễn”, chương trình phát 600 giấy mời miễn phí thì 200 người đi còn 400 cái bị vứt vô sọt rác. Như vậy thì tủi cho Đờn ca tài tử lắm và biết bao giờ nó mới được mến mộ.

Tôi đã nói nhiều đến việc đưa âm nhạc vào trường học. Nhưng không phải là bắt các cháu nhỏ học thuộc Đồ, Rê, Mi, Pha, Son. Đó là âm nhạc phương Tây. Phải dạy các cháu cách cảm nhạc, nghe âm nhạc dân tộc bằng tâm hồn chứ không phải là học thuộc các bản nhạc.

Bởi thế mới nói, bảo tồn di sản Đờn ca tài tử, quan trọng là phải thay đổi tư duy trong xã hội. Tức là phải coi đây là bộ môn đặc biệt, là nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, là tâm hồn của con người miền Nam nước Việt. Chính quyền và nhân dân phải cùng góp sức thì 10 - 15 năm nữa Đờn ca tài tử may ra mới xứng đáng với tầm vóc của nó./.

+ Xin cám ơn Giáo sư!

Bài, ảnh: Hạnh Nhân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét