Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

on Leave a Comment

[Pháp luật -Giadinh.net] - Vận may kỳ lạ và nỗi ám ảnh khiến người vô tình được “lộc trời” phải đóng cửa trốn trong nhà

GiadinhNet - Suốt 14 năm lăn lộn với nghề buôn ve chai, vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng không thể ngờ, đến một ngày lại có may mắn sở hữu số tiền lên đến 5 triệu Yên Nhật (hơn 1 tỷ đồng).

Vậy nhưng, khi có trong tay khối tài sản khổng lồ ấy, đôi vợ chồng lại phải gánh trên vai muôn vàn nỗi lo sợ. Bởi ngay sau khi nhặt được “lộc trời”, vô số người lạ mặt đã đến nhận làm người quen, thậm chí có những kẻ xăm trổ đầy mình còn đến dằn mặt, yêu cầu vợ chồng chị chia chác tiền. Quá lo lắng, chị đã phải giao nộp toàn bộ số tiền này cho công an phường để chờ xử lý.

Hai vợ chồng chị Hồng với mong muốn chia sẻ số tiền với người nghèo

Sợ mất mạng vì phát hiện “kho báu” Những ngày này vừa đặt chân đến con hẻm 84, nằm sâu trên đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM), người ta dễ dàng bắt gặp người dân “tụm năm tụm ba” bàn tán xôn xao về một người phụ nữ buôn ve chai sở hữu được khoản lớn tiền Nhật Bản. Chị là Huỳnh Thị Ánh Hồng, 34 tuổi (quê Mộ Đức, Quảng Ngãi), người may mắn được thần tài “gõ cửa”. Nhưng khi gặp chị, chúng tôi hết sức bất ngờ, vì trước mắt là một người phụ nữ ngồi ũ rũ tỏ vẻ mệt mỏi trong căn nhà tối tăm. Không chút giấu giếm, chị chia sẻ: “Mới có ba ngày hay tin vợ chồng tôi may mắn có số tiền 5 triệu Yên tiền Nhật đã có rất nhiều người hiếu kì đến xin tiền. Kéo theo đó, hàng loạt phiền phức cũng xảy đến, khiến cuộc sống hai vợ chồng tôi hoàn toàn bị đảo lộn”. Theo như lời chị Hồng, khoảng 14h ngày 21/3, chị đang đi mua ve chai thì chồng chị là anh Trịnh Minh Vương (36 tuổi) ở nhà như thường lệ đem những đồ sắt vợ mua về để nơi xó nhà để tháo dỡ, hy vọng có thể nhặt nhạnh được mảnh sắt hay mảnh đồng bán để kiếm tiền. Trong đống đồ nát, anh phát hiện có một chiếc thùng loa kiêm đài cát sét của Nhật mua từ trước Tết Nguyên Đán. “Lâu nay tôi cũng không để ý đến nó lắm, vợ thì đi mua ve chai thường là các loại máy cũ kĩ. Nên tôi ở nhà tháo dỡ những chiếc máy đó để phân loại ra đâu là nhôm, đồng, sắt để bán. Chiều hôm đó, tôi lục tung mấy cái đồ vợ mua trong Tết thì phát hiện ra một chiếc loa cũ của Nhật. Lâu nay, nghe người ta nói đồ Nhật thứ gì cũng tốt, tôi cũng hy vọng kiếm được chút tiền nên đem ra ngoài cổng dùng búa và tua vít tháo dỡ nó ra. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ, tôi mới mở được chiếc loa này”. Anh Vương cho hay.
Sẽ được sở hữu nếu sau một năm số tiền vẫn vô chủ Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Quang Thái, văn phòng luật sư Nguyễn Quang Thái (quận 4, TP.HCM) cho biết: Theo quy định tại Điều 239 (Bộ luật Dân sự 2005) về “xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”. Với trường hợp tài sản là động sản (tiền) thì người nhặt được phải giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an gần nhất. Việc giao nộp phải được lập thành biên bản. UBND hoặc công an quản lý tài sản đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Nếu sau một năm kể từ ngày thông báo mà không ai nhận thì tài sản đó sẽ thuộc người phát hiện.
Thật bất ngờ, khi anh mở được chiếc loa cũ thì phát hiện bên trong có một hộp gỗ nhỏ dài 20cm, rộng khoảng 15 cm. Mở chiếc hộp gỗ ra, anh Vương như không tin vào mắt mình khi thấy chiếc hộp chứa đầy tiền, không theo thành cột mà trông rất lộn xộn. Anh Vương nhớ lại: “Ban đầu khi vừa mở chiếc hộp nghe mùi hôi thối bốc lên, tôi nghĩ bụng không biết có con gì chết trong đó hay không. Nhưng khi mở ra phát hiện trong đó rất nhiều tiền, vốn không biết chữ, tôi tưởng đó là tiền giả nên đem cho mỗi người hàng xóm vài tờ, lúc sau mới nghe mọi người nói là tiền Nhật. Bên trong chiếc hộp còn có vài ba mảnh giấy có ghi chữ nhưng cũng toàn tiếng Nhật, tôi không để ý tới vì cứ nghĩ mình không biết chữ có đọc được đâu nên vứt bỏ ra ngoài thùng rác. Khi lớn chuyện rồi, tôi sực nhớ ra cùng vợ tìm nhưng chẳng thấy đâu nữa”. Chị Phan Thị Tâm (SN 1977, quê Bình Sơn, Quảng Ngãi, hàng xóm cạnh nhà chị Hồng) cho biết: “Sau khi nghe tiếng reo của anh Vương: “Thứ gì đây, tiền, tiền hả?”, mọi người xung quanh đã vội chạy ra thì trông thấy anh Vương đang nhặt những tờ tiền rơi xuống đất. Tiếp đó, có vài ba người chạy vào xin, rồi nhiều người kháo nhau anh Vương nhặt được “kho báu” và tin lan nhanh ra. Khoảng 5h chiều, đã có hàng trăm người tụ tập về con hẻm 84 và đứng trước nhà trọ hai vợ chồng để xin tiền khiến khu vực này náo loạn. Chị Hồng cho biết: “Mãi đến 5h chiều tôi mới đi làm về, vừa đến đầu hẻm đã nghe mọi người đồn chồng tôi vừa phát hiện được “kho báu”. Bán tính bán nghi, tôi vội đẩy xe hàng về nhà để xem thực hư, lúc ấy đã có đông nghịt người đến xin tiền, đứng bát nháo. Tin lan nhanh, người lạ ở đâu cũng kéo đến, rồi chạy vào giật trên tay anh Vương. Vợ chồng tôi sợ quá đã đóng cửa lại đứng trong nhà mà chẳng dám bước ra đường”. Nhận thấy tình hình ngày càng trở nên phức tạp, chị Hồng đã gọi điện nhờ công an phường 10 (quận Tân Bình) can thiệp. Khi công an tới nơi, nhiều thanh niên la lối, đòi chia số tiền với vợ chồng chị Hồng anh Vương vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Để giải tán đám đông, công an đã mời chị Hồng về trụ sở, phải hơn một giờ đồng hồ, mọi người mới chịu rời đi, giải “nhiệt” cho con hẻm nhỏ hẹp. Tại cơ quan công an, chị Hồng đã bàn giao 520 tờ tiền Nhật với mệnh giá 10.000 Yên. Trong đó, có một số ít tờ tiền đã bị rách nhàu nhĩ. Theo chị Hồng, chiếc loa cũ đó chị mua khoảng cuối tháng 11/2013. Chị nhớ lại: “Tôi mua nó cũng khá lâu rồi nên chỉ nhớ loáng thoáng là hôm đó, khi đang đi trên đường đoạn giao nhau giữa Trần Văn Quang và Âu Cơ (Quận Tân Bình) thì có một người đàn ông trung niên hỏi tôi mua ve chai phải không, tôi liền đáp “dạ”. Nghề ve chai mà, có ai mời mua thì vui lắm, người đó mua bán cũng rất mau lẹ với giá 100.000 đồng. Mua xong, tôi cũng không bận tâm, rồi tiếp tục chạy đi mua nơi khác chứ chẳng mảy may nghĩ ngợi gì cả”. Mong được giúp đỡ người nghèo

Anh Vương kể chuyện với PV

Suốt 14 năm nay, nghề bán ve chai chính là “cần câu cơm” mưu sinh hằng ngày giúp chị Hồng nuôi bốn miệng ăn trong gia đình. Vậy mà “đùng” một cái, ai nấy đều “sốc” khi hay tin đôi vợ chồng nghèo sở hữu khoản tiền Nhật tương đương 1 tỷ đồng tiền Việt. Nhưng hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, khi hai người họ quyết định giao nộp số tiền đó cho công an. “Có người chửi vợ chồng tôi “ngu”, vì tự nhiên mang “lộc trời” giao nộp công an. Nhưng mỗi người một quan điểm, chúng tôi không thể thất đức giữ khư khư cho mình được. Tôi quyết định giao cho cơ quan chức năng xử lý. Chuyện sau này thế nào, tôi cũng đồng ý”, chị tâm sự. Từ ngày đi mua phế liệu, cũng có đồng ra đồng vào nhưng gia đình chị vẫn còn rất khó khăn. Hai vợ chồng không học vấn, cũng chẳng có nghề nghiệp ổn định. Bởi vậy, cuộc sống gia đình chị sau khi hai đứa con lần lượt ra đời cũng rất bi đát. Để có thể nuôi cả gia đình bốn miệng ăn, đôi vợ chồng trẻ đành tha hương vào Sài thành mưu sinh, để lại quê nhà hai đứa con thơ tự lo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày khi thiếu vắng bàn tay cha mẹ. Nét mặt đôi vợ chồng nghèo nhưng hiền lành chùng xuống khi có người nhắc tới hai con nhỏ ở quê, anh Vương chạnh lòng nói: “Ngày nào cũng như ngày nào, chúng tôi làm quần quật bên đống nát, giấy vụn thu nhập hàng tháng cũng chưa đầy 3 triệu. Vợ chồng tích cóp cuối tháng gửi tiền về hai con, đứa lớn nay học lớp 7, còn đứa út năm nay vào lớp 1. May mà có ông nội ở gần nhà, thi thoảng qua bảo ban hai cháu, vợ chồng tôi cũng yên tâm phần nào”. Tuy là nghề không “sang” nhưng nhờ có “duyên” với nghề, lanh lẹ, hiền lành nên chị Hồng và anh Vương rất được lòng mọi người. Ai nấy đều thương cảnh đôi vợ chồng sáng ra, đẩy chiếc xe cà tàng đi khắp các con hẻm mua ve chai, nghe tiếng rao “Ai…ve…chai đi” lảnh lót của chị, ai có nhu cầu bán đều ra dấu “ngoắc tay” kêu chị vào mua. “Tội nghiệp vợ chồng thằng Vương lắm, hai đứa nó ở cùng với mấy người bán ve chai trong căn nhà có gác lửng ọp ẹp, chật chội thế mà có đến gần 20 con người. Tối đến cứ nằm chồng chất lên nhau mà ngủ. Sáng ra để tiết kiệm tiền, hai đứa nó cũng chỉ dám ăn cơm nguội rồi đi tối ngày mới về. Hơn nữa nó mua bán lẹ làng, nên những ai có món đồ bằng sắt hay máy móc đều để dành để bán cho nó đấy”, bà Lan hàng xóm chia sẻ. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Nếu sau khi được công an giao lại toàn bộ số tiền anh chị sẽ làm gì?”. Không ngần ngại, hai vợ chồng đồng thanh đáp: “Chúng tôi sẽ đem về quê cho người nghèo”. Chị cho hay, nếu được sở hữu số trên, hai vợ chồng sẽ nuôi con cái ăn học nên người và về quê giúp đỡ những người kém may mắn và nghèo khó.
Toàn bộ tiền đã được công an tạm giữ Trao đổi với chúng tôi Trung tá Nguyễn Quang Vinh (Trưởng Công an phường 10, Q. Tân Bình) cho biết, ngay sau khi nhận được tin chị Hồng phát hiện ra số tiền Yên Nhật, công an phường đã cử lực lượng đến nhà nắm tình hình và bảo vệ hiện trường, tránh sự hiếu kỳ của người dân gây mất trật tự xã hội. Qua làm việc, chị Hồng đồng ý hợp tác, đồng thời đồng ý chuyển giao số tiền trên cho công an tạm giữ để tránh thất thoát. Theo phản ánh, thời điểm phát hiện số tiền trên, có một số đối tượng lạ mặt đến với ý định gây sức ép để gia đình chị Hồng chia chác tiền, phía công an cũng đã mời những đối tượng tình nghi này lên làm việc. Tuy nhiên, tất cả đều không thừa nhận hành vi trấn, cướp tiền của chị Hồng mà cho rằng chỉ lân la xin vài tờ tiền làm kỷ niệm, hơn nữa chị Hồng cũng không nhớ mặt cụ thể nên không có cơ sở để xử lý. Hiện tại, toàn bộ số tiền Yên Nhật do chị Hồng phát hiện được công an phường đã chuyển lên Công an quận Tân Bình để tiếp tục điều tra giải quyết theo quy định của pháp luật.
Khôi Nguyên – Lê Hằng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét