Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

on Leave a Comment

[Giáo dục -Nhân dân] - Giáo viên và học sinh đều mừng

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố phương án giảm số môn thi tốt nghiệp THPT từ sáu môn xuống bốn môn, học sinh, phụ huynh, giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước quyết định mang tính đột phá này.


Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: ĐĂNG KHOA


Học sinh phấn khởi

Phương án thi tốt nghiệp bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán và Văn, và hai môn tự chọn (trong số các môn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) được các chuyên gia, lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo cả nước nói chung, ngành giáo dục Thủ đô nói riêng đồng tình và cho rằng phương án này giảm áp lực học cho học sinh, giáo viên.

Em Nguyễn Văn Tú, học sinh lớp 12D3 Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) phấn khởi cho biết: Năm học lớp 12 đối với chúng em rất vất vả. Những năm trước, em thấy các anh chị lớp trên vừa lo học sáu môn thi tốt nghiệp, lại vừa ôn ba môn để thi đại học, quả là rất căng thẳng. Năm học này, Bộ GD và ĐT quyết định giảm số môn thi còn bốn môn, trong đó có hai môn tự chọn, bọn em không phải lo "cày ngày, cày đêm" nữa. Chắc chắn việc học và thi sẽ hiệu quả hơn". Cùng chung niềm vui như Tú, Nguyễn Huy Hoàng, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho biết, em rất vui và phấn khởi khi đón nhận được thông tin này. Tú cho biết: "Em thấy thật vui khi Ngoại ngữ được xếp vào số môn tự chọn. Bởi ngoại ngữ là thế mạnh của em. Em dự định sẽ thi Trường đại học Ngoại giao". Hầu hết học sinh đều cho rằng, đây là phương án thi tốt và rất có lợi cho học sinh. Một học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: Em thấy phương án được lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực của học sinh, phù hợp với cách chọn môn thi cũng như chọn ngành nghề khi lên đại học.

Các bậc phụ huynh khi biết thông tin nêu trên cũng đều phấn khởi. Chị Nguyễn Thu Hà (quận Thanh Xuân) cho biết: Con tôi năm nay thi tốt nghiệp THPT, tôi mong đợi phương án thi của Bộ GD và ĐT không kém các cháu. Sau khi chính thức biết thông tin về phương án thi tốt nghiệp, tôi rất mừng. Hy vọng với phương án thi mới, cháu sẽ đạt kết quả tốt nghiệp cao.

Không lo học sinh học lệch

Mặc dù đồng tình cao với phương án thi mới, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn về việc học sinh sẽ lựa chọn nhiều môn khác nhau, tổ chức thi ra sao. Bên cạnh đó là những lo ngại về tình trạng học sinh học lệch, bỏ bê không học những môn không yêu thích...

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Nguyễn Quốc Bình nhận định: Tất nhiên sẽ có những môn nhiều học sinh lựa chọn, ngược lại sẽ có môn ít học sinh đăng ký thi. Chính vì vậy, việc bố trí giáo viên, phòng học sẽ khó khăn cho nhiều trường. Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm phân tích: "Phương án thi tốt nghiệp mới sẽ tác động rất lớn đến việc phân luồng học sinh từ bậc học THPT. Học sinh sẽ được chọn ngành nghề phù hợp sớm theo năng lực. Nhiều ý kiến cho rằng, môn tự chọn sẽ dẫn đến học sinh học lệch, thích môn nào học môn đó. Nhưng tôi cho rằng, điều này không đáng lo ngại, bởi điểm xét tốt nghiệp lấy cả kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả thi bốn môn để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, do đó bắt buộc các em phải học đều các môn".

Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ĐT) Mai Văn Trinh cho biết: Để tránh các rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi làm theo nguyên tắc sau: mỗi học sinh có một số báo danh duy nhất trong kỳ thi và phòng thi sẽ được xếp theo môn. Mỗi buổi thi sẽ có hai ca thi. Mỗi ca thi một môn. Như vậy, hoàn toàn loại bỏ được sự lo lắng trong một phòng thi có nhiều môn thi.

Hy vọng rằng, với quyết tâm đổi mới việc thi cử nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh, giảm áp lực cho cả xã hội, phương án thi tốt nghiệp THPT mới của Bộ GD và ĐT sẽ đạt kết quả tốt, là tiền đề để tiến tới việc tổ chức kỳ thi ghép vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa lấy điểm đầu vào đại học, cao đẳng, thực hiện thắng lợi đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám (khóa XI).

TRUNG ĐỨC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét